Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

BLOGGER PHẠM VIẾT ĐÀO VỪA BỊ VIỆT CỘNG 'BẮT KHẨN CẤP' TẠI HÀ NỘI

Nhà văn Phạm Viết Đào. (Hình: Blog Phạm Viết Đào)
Nhà văn, blogger Phạm Viết Đào, chủ trang blog 'Phạm Viết Đào -Thế Sự-Văn Chương' vừa bị 'bắt khẩn cấp' hôm 13 tháng Sáu tại Hà Nội.

Tin của Thông Tấn Xã Việt Nam (TTXVN), cho hay, ông Phạm Viết Đào bị 'Cơ quan an ninh điều tra Công an thành phố Hà Nội ra Lệnh khám xét khẩn cấp và Lệnh bắt khẩn cấp.'

Bản tin của TTXVN cho biết,  'ông Phạm Viết Đào có hành vi vi phạm pháp luật theo Điều 258 Bộ Luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về tội "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân."

Hiện nay, người ta không thể truy cập được vào trang Blog của ông tại địa chỉ 'phamvietdao4.blogspot.com'

Nhà văn Phạm Viết Đào, 61 tuổi. hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam. Ông Đào từng tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du, từng du học về văn chương tại Romania. Ông là dịch giả của nhiều tác phẩm văn học Romania, từng viết văn, làm phim, từng là Trưởng phòng Thanh tra, Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội.

Ông Phạm Viết Đào cũng đã từng đi bộ đội, từng tham dự các trận chiến ở Khu 4, Đường 9, Quảng Trị, Trung Lào và từng là một trong số rất ít người công khai tuyên bố từ bỏ Đảng CSVN.

Vài năm qua, ông Phạm Viết Đào được nhiều người chú ý khi làm blog “Phạm Viết Đào”.
Trên trang blog này, blogger Phạm Viết Đào công khai chỉ trích ông Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư, ông Nguyễn Tấn Dũng - Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc -  Phó Thủ tướng,  ông Nguyễn Bá Thanh – Trưởng Ban Nội chính Trung ương. Gần đây, ông Đào là một trong những người công khai chỉ trích việc sửa đổi Hiến pháp và bản dự thảo hiến pháp.

Cuối tuần trước, trả lời BBC về hoạt động “lấy phiếu tín nhiệm”, ông Đào nhận định: “Quốc hội nào thì chính phủ ấy”. Ông Đào khẳng định, ông không hy vọng có “đột phá”.

Việc Công an Hà nội “bắt khẩn cấp” blogger Phạm Viết Đào chỉ được Thông tấn xã Việt Nam loan báo ngắn gọn. Hãng tin chính thức của chính quyền Việt Nam cho biết, Công an Việt Nam sẽ “tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của ông Phạm Viết Đào để xử lý theo quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, trên nguyentandung.org – trang web vẫn được xem là tiếng nói không chính thức của Thủ tướng Việt Nam, có rất nhiều thông tin nhằm giải thích rõ hơn vì sao ông Phạm Viết Đào bị bắt.

Theo đó, ông Đào bị bắt vì “tiết lộ thông tin mật của nhà nước, liên quan đến nhân sự các cuộc họp từ Hội nghị Trung ương 4 đến Hội nghị Trung ương 7 nhằm gây bất ổn chính trị, hoang mang, làm mất niềm tin của nhân dân vào các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà Nước”. Ngoài ra, ông Đào còn “xâm phạm quyền tự do, danh dự, nhân phẩm của người khác”. 


Tuy trang nguyentandung.org không cho biết “người khác” là ai nhưng ở một bài viết khác cũng đề cập đến việc bắt blogger Phạm Viết Đào, trang web này viết, một trong những lý do khiến ông Đào bị bắt là vì ông đã “nói sai sự thật nhằm gây bất ổn chính trị, hoang mang, làm mất niềm tin của nhân dân vào các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà Nước”.

Cách nay 18 ngày, Công an Việt Nam cũng đã “bắt khẩn cấp” blogger Trương Duy Nhất vì “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.

 Blogger Trương Duy Nhất, 49 tuổi, từng là phóng viên của báo Công an Quảng Nam – Đà Nẵng, sau đó chuyển qua làm phóng viên thường trú của báo Đại Đoàn kết tại miền Trung. Từng tuyên bố rời bỏ làng báo Việt Nam để dành thời gian cho blog “Một góc nhìn khác”.

Vụ bắt giữ blogger Trương Duy Nhất đã bị cả dư luận trong nước lẫn chính quyền nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế chỉ trích kịch liệt. Một điều phối viên đặc trách khu vực châu Á của Ủy ban Bảo vệ các nhà báo nhận định: “Càng ngày chính quyền Việt Nam càng kháng cự mạnh hơn vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục yêu cầu cả Liên Hiệp quốc lẫn chính quyền các quốc gia khác trên thế giới, giải quyết tình trạng áp chế nghiêm trọng đối với giới truyền thông và quyền tự do ngôn luận, để tìm cách lật ngược xu hướng đó tại Việt Nam”.

Tuần trước, khi nghe đại diện chính phủ Hoa Kỳ điều trần về quan hệ với Việt Nam, Dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Hoa Kỳ, cho rằng, chính phủ Hoa Kỳ cần phải hành động và không thể không lên tiếng khi từ đầu năm đến nay, chính quyền Việt nam đã tống giam hơn 40 nhân vật bất đồng chính kiến. 


Vị dân biểu này tin là, việc gây áp lực để chính quyền Việt Nam phóng thích những nhân vật bất đồng chính kiến không phải là một đòi hỏi quá đáng, bởi những nhân vật đó bị trừng phạt chỉ vì họ đã thực thi các quyền cơ bản của con người, bày tỏ quan điểm ôn hòa của công dân, vốn là những điều mà chính Việt Nam đã tự nguyện cam kết với cộng đồng  quốc tế là sẽ tôn trọng.(G.Đ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét